Tại họp báo thường kỳ vào chiều 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành thời gian thông tin và phân tích về phương án thực hiện chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27, áp dụng từ ngày 1/7 tới đây.

Tất cả cùng vui

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Khi nói cải cách tiền lương thì phải tăng lương. Cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa nữa".

Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ bám sát Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để nghiên cứu phương án phù hợp nhất, sao cho tất cả các đối tượng liên quan đến chính sách tiền lương phải được tăng lương.

"Đây mới là mục tiêu của Nghị quyết 27, mục tiêu của Đảng và mong muốn, chờ đợi của tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác có liên quan", bà Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí. Ảnh: XĐ

Theo đó, đối với lương của người lao động trong doanh nghiệp được đầy đủ, toàn diện cả 2 nội dung đúng với tinh thần Nghị quyết 27.

Đó là điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/7/2024 tăng 6%. Thứ 2 là thực hiện công tác quản lý thu nhập đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển và nâng cao đời sống của người lao động.

Còn đối với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, Bộ trưởng lưu ý phải thực hiện một cách thận trọng theo lộ trình, từng bước, hợp lý, chắc chắn và hiệu quả nhất, an toàn nhất, không gây xáo trộn, không gây phức tạp tình hình và đạt được mục tiêu tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ của Nghị quyết 27. Còn 2 nội dung hiện nay đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đó là việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ, chức danh lãnh đạo, sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo lộ trình. Thay vào đó là thống nhất nguyên tắc tăng lương đều cho tất cả các đối tượng 30% từ việc điều chỉnh mức lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu lên 2,34 triệu.

“Như vậy tất cả cùng vui, tất cả đều được hưởng như nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng phân tích, sở dĩ chọn phương án này là vì khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức thì phát sinh mấy vấn đề.

Cụ thể là khi bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến bất hợp lý rất lớn. Đó là tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo.

Công chức - đối tượng tham mưu chiến lược thì được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%. Đối tượng viên chức có thể tăng được hơn 50%. Đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương như vậy nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%.

Có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3 - 5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.

Một vấn đề nữa là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh một số vấn đề.

Cùng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới dẫn đến rất nhiều đối tượng hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là lực lượng nhà giáo (một lực lượng lớn nhất trong xã hội) sẽ không còn phụ cấp thâm niên.

Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn.

Không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị thiệt thòi

“Trước tình hình như thế, buộc phải chọn một phương án tối ưu nhất, hợp lý nhất, công bằng nhất, bình đẳng nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Đó chính là phương án điều chỉnh tăng đều tất cả 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở”, Bộ trưởng Nội vụ lý giải.

Ưu điểm của phương án này là không tác động, không ảnh hưởng đến các quy định hiện hành gắn với lương cơ sở, xây dựng các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Hiện có trên 10 văn bản pháp luật ban hành các cơ chế, chính sách cho các đối tượng xã hội hưởng chính sách an sinh, phúc lợi xã hội gắn với mức lương cơ sở… Bãi bỏ các văn bản, chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến trên 50 triệu người, “không thể kịp trở tay để xoay sở”.

Việc tham chiếu thế nào khi luật vẫn còn hiệu lực, khi tất cả các văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung cũng là vấn đề “đau đầu”.

“Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, chúng tôi có những giờ phút suy nghĩ cân nhắc vô cùng nặng nề để lựa chọn phương án. Cuối cùng chọn phương án tăng lương cơ sở là tối ưu nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bà Trà cũng thông tin thêm, Bộ Chính trị thống nhất giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung thực hiện Nghị quyết 27 theo một lộ trình bước đi “thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, khả thi và đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị thiệt thòi trong việc thực hiện tiền lương lần này”.

Tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội, chính thức ban hành nghị định và sẽ bắt đầu thực hiện từ 1/7.